Trị mụn trứng cá, chọn thuốc nào?

Con gái tôi 18 tuổi và bị mụn trứng cá đỏ, có mủ. Tôi đã cho cháu đi điều trị bằng nhiều biện pháp nhưng đều thất bại. Xin cho biết có thuốc nào để điều trị bệnh này cho con tôi? Tôi xin cảm ơn!

Trần Thị Lý(Bắc Ninh)

Trong thư bạn nói là đã điều trị nhiều biện pháp, nhưng không nói rõ là biện pháp gì? Bạn đã cho cháu đi khám bệnh chưa và có dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu hay không? Do đó, chúng tôi không tư vấn cụ thể riêng cho trường hợp con của bạn được.

Tuy nhiên, nhìn chung, mụn trứng cá đỏ, có mủ là do cơ thể tiết nhiều chất bã, dày sừng cổ tuyến bã và nhiễm khuẩn gây nên, do đó mục tiêu điều trị là phải điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh.

Các thuốc bôi tại chỗ có thể sử dụng một trong các thuốc sau: Retinoid có tác dụng tiêu nhân mụn, ngăn sự hình thành nhân mụn, chống viêm... Nhưng thuốc lại có tác dụng phụ thường gặp là khô da, đỏ da, kích ứng da, hồng ban tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng… Tác dụng phụ này thường gặp trong tháng đầu điều trị, nhưng có những trường hợp gặp trong suốt quá trình điều trị. Thuốc benzoyl peroxid có tác dụng diệt khuẩn với phổ tác dụng rộng. Thuốc làm giảm đáng kể vi khuẩn P. acnes nằm sâu trong lỗ chân lông và giảm acid béo tự do ở tuyến bã. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng chống viêm và tiêu nhân mụn. Tác dụng phụ thường gặp nhất là khô da và nhạy cảm ánh sáng, do đó nên bôi thuốc vào buổi chiều tối để làm giảm nhạy cảm ánh sáng. Kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn P. acnes, chống viêm trực tiếp thông qua ức chế sự hóa ứng động của bạch cầu trung tính. Nên sử dụng thuốc dạng dung dịch tan trong cồn (ví dụ clindamycin và erythromycin) hoặc gel và lotion để làm giảm kích thích da. Hiện nay dùng dạng phối hợp thuốc có thể làm giảm sự đề kháng của vi khuẩn (ví dụ erythromycin 3% với benzoyl peroxid 5% hoặc clindamycin 1% với benzoyl peroxide 5%). Acid azelaic dạng kem có tác dụng ngăn chặn nhân mụn, kìm khuẩn. Tuy nhiên, thuốc  gây ngứa và cảm giác bỏng tại chỗ.

Thuốc dùng toàn thân như kháng sinh doxycyclin hoặc tetracyclin có tác dụng tốt trong điều trị bệnh này. Thuốc isotretinoin có tác dụng ức chế sự sản xuất chất bã, thúc đẩy quá trình tiêu sừng, nhưng lại có tác dụng phụ gây khô da, bong da, môi, loét miệng, kích thích mắt. Thuốc không dùng cho trẻ dưới 16 tuổi. Ngoài ra cũng có thể sử dụng hormon như thuốc đối kháng androgen có nguồn gốc tự nhiên, bắt đầu uống viên đầu tiên khi có hành kinh, mỗi ngày uống 1 viên, nghỉ 7 ngày. Thời gian dùng thuốc từ 3 - 6 tháng. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm vitamin B2, biotin, kẽm…

Trên đây là biện pháp chung trong điều trị bệnh trứng cá đỏ có mủ, tuy nhiên, trong trường hợp riêng của con bạn, cần đưa cháu đi khám bệnh để được chỉ định thuốc và thời gian điều trị cụ thể.

BS. Lê Đức